(KTSG Online) – Phát triển bền vững gắn với thực hành ESG (Environmental – Social – Governance) là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ ESG bắt đầu từ đâu, thực hành như thế nào, tổ chức nào chứng nhận, có thực sự mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hay chỉ là “cuộc chơi” của những công ty có tiềm lực về kinh tế?
Những nội dung này đã phần nào được giải đáp tại buổi ra mắt Câu lạc bộ Kiến tạo Thương hiệu và hội thảo “Góc nhìn và các tiếp cận ESG của doanh nghiệp” diễn ra vào ngày 16-4 tại trụ sở Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, TPHCM.
“Nơi nào có tinh thần trách nhiệm, nơi đó có sự bắt đầu của ESG”, ông Võ Minh Nhựt, Chủ nhiệm câu lạc bộ Kiến tạo Thương hiệu, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn NS Bluescope Việt Nam đã chia sẻ tại sự kiện trên.
Đây là sự kiện do Câu lạc bộ Kiến tạo Thương hiệu (The Branding Club), một câu lạc bộ trực thuộc Saigon Times Club tổ chức với sự đồng hành của Công ty Phương Nam và Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Sagen.
Ông Võ Minh Nhựt, Chủ nhiệm CLB Kiến tạo Thương hiệu, Tổng giám đốc NS Bluescope Vietnam và Bà Đào Thị Loan, Phó Thư ký tòa soạn Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online trao chứng nhận cho đại diện Phương Nam Panel - Ms Nguyễn Dương Trúc Linh, Giám đốc Marketing PNP
Nhiều doanh nhân và chuyên gia cũng chia sẻ quan điểm này của ông Nhựt và cho rằng, ESG không phải là một xu hướng mới nhưng tại Việt Nam, ESG mới chỉ ở giai đoạn đầu. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp quan tâm về việc làm thế nào để thực hành tiêu chuẩn này thành công và mang hiệu quả cho hoạt động kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam, khó có câu trả lời có thể đáp ứng hết tất cả yêu cầu của của doanh nghiệp.
Với kinh nghiệm là người tư vấn cho nhiều doanh nghiệp lớn thực hành ESG, ông cho rằng để thành công, việc đào tạo và truyền thông ESG là rất quan trọng. Nhận thức về việc phải thực hành ESG cần phải truyền tải đến tất cả nhân sự trong tổ chức. Kế đến, doanh nghiệp cần đội ngũ nhân sự thực hiện các công việc cụ thể cùng với sự chỉ đạo, giám sát sát sao của lãnh đạo cấp cao.
“Khi xây dựng kế hoạch thực hành ESG, doanh nghiệp cần cân nhắc yếu tố hài hòa với bối cảnh của quốc gia, doanh nghiệp và quan trọng hơn là sự mong đợi của đối tác. Thực tế, việc thực hành ESG không phải là làm điều doanh nghiệp muốn mà thực hiện điều mà đối tác mong muốn ở doanh nghiệp”, ông nói.
Các doanh nhân, chuyên gia chia sẻ tại hội thảo Góc nhìn và các tiếp cận ESG của doanh nghiệp. Ảnh: Minh Anh.
Nhiều doanh nhân thắc mắc về việc, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, tại sao doanh nghiệp phải thực hành ESG, tức vừa gánh thêm nhiều trách nhiệm lại vừa phát sinh thêm chi phí? Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Công trình Xanh Green Việt, cho rằng tại công ty này và nhiều nơi khác, việc thực hành ESG được xem là sự đầu tư chứ không phải chi phí.
“Có rất nhiều minh chứng cho thấy điều đó. Chẳng hạn, việc tạo được môi trường làm việc tốt, chăm sóc nhân viên chu đáo không chỉ mang lại cho doanh nghiệp lợi ích về phát triển đội ngũ mà còn là giảm chi phí”, ông nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho biết, tuy ESG đem lại nhiều lợi tích nhưng thực tế, để thuyết phục doanh nghiệp thực hành ESG là một quá trình dài và không đơn giản.
Đồng quan điểm, ông Nam của PwC Việt Nam cho rằng, khi thực hành ESG, doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí như chi phí tư vấn, thiết kế kế hoạch, xây dựng đội ngũ… Điều này khiến nhiều nơi đắn đo nhưng về lâu dài, chi phí này lại mở ra các cơ hội tăng trưởng mới.
“Đây thực sự là chi phí đầu tư và chi phí này đem lại cơ hội mở rộng thị trường, tăng trưởng của doanh nghiệp và cả quản trị rủi ro”, ông Nam nói.
Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Nguyễn Thành Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng SAGEN, cho rằng việc đầu tư để thực hành ESG không chỉ tùy thuộc vào “túi tiền” mà còn tùy thuộc vào văn hóa, tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây không chỉ là “cuộc chơi” của những công ty lớn.
“Doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể vận hành ESG. Khi doanh nghiệp có tâm, muốn thực hiện sứ mệnh phụng sự con người, xã hội và hành động thì tiền sẽ tự đến như một kết quả ắt phải có”, ông Tân chia sẻ.
Cũng tại hội thảo này, ông Nguyễn Đình Sáu, Cố vấn kiêm Trưởng ban kiểm soát Phương Nam Panel, cho biết công ty đã thực hành ESG được 4 năm. Mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành trụ cột G – Quản trị doanh nghiệp. Nhờ ngay từ đầu, công ty đã xác định tôn chỉ là sản xuất phải có trách nhiệm xã hội, cộng đồng, kinh doanh phải tuân thủ đạo đức doanh nghiệp cho nên rất thuận lợi khi thực hiện các tiêu chí ESG.
KTS Nguyễn Đình Sáu, Cố vấn kiêm Trưởng ban kiểm soát Phương Nam Panel chia sẻ tại hội thảo
“Phương Nam Panel với khát vọng mang sản phẩm “made in Vietnam” chất lượng quốc tế đến với bạn bè năm châu thế giới. Vì vậy các sản phẩm của PNP đã ghi được những dấu ấn nhất định tại khu vực Đông Nam Á cũng như các nước châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc… vốn được biết đến là thị trường cao cấp và “khó tính”. Trải qua 32 năm hành trình trưởng thành, cùng với sự ra mắt T*ROCK cấp tiến mỗi năm, PNP hoàn toàn tự tin chinh phục những thử thách mới và tin rằng nỗ lực phục vụ khách hàng cũng chính là quá trình hoàn thiện Người PNP cho hiện tại và tương lai.
Tại PNP, triết lý kinh doanh của chúng tôi là mang lại niềm tin mạnh mẽ cho các mục tiêu phát triển bền vững, sau tất cả là để lại di sản cho những thế hệ tiếp nối gìn giữ vì một Thế giới #xanh #sạch #bềnvững luôn hướng đến tiêu chuẩn sống xanh cam kết trách nhiệm #ESG về môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp. Tôi cho rằng yếu tố G “Governance” vẫn là yếu tố cốt lõi, việc hoạch định, đường hướng, thực thi G “quản trị” tốt thì hệ quả E “môi trường” S “xã hội” sẽ được thụ hưởng trọn vẹn với tỷ lệ tương xứng.
ESG đã đi vào đời sống chúng tôi ngay từ những ngày đầu nghiên cứu dự án tiền khả thi cho việc đầu tư xây dựng nhà máy công nghệ cao thông qua bước chuyển mình bứt phá từ sản xuất truyền thống sang sản xuất công nghệ hiện đại hoàn toàn bằng dây chuyền Hennecke 100% của Đức và đạt chứng chỉ LEED GOLD Hoa Kỳ. Cụ thể, PNP đặt trọng tâm tính đến yếu tố môi trường trong thiết kế, thi công và vận hành nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống; Thiết kế đảm bảo phù hợp với biến đổi của môi trường, khí hậu; Tận dụng tài nguyên thiên nhiên như năng lượng mặt trời, đối lưu không khí gió tươi bên ngoài, nước và các tài nguyên khác; Có giải pháp hạn chế ô nhiễm, sản phẩm tái sử dụng đảm bảo chất lượng không khí của môi trường làm việc bên trong và bên ngoài; Sử dụng vật liệu không độc hại và bền vững”
Ms Nguyễn Dương Trúc Linh - Giám đốc Marketing PNP chia sẻ thêm bên lề hội thảo về G “Governance" "Quản trị" vẫn là yếu tố cốt lõi/ trụ cột trong tam trụ ESG
Trong khi đó, nhiều doanh nhân cho biết, tuy rất muốn thực hành ESG để có thể xây dựng thương hiệu từ nền tảng phát triển bền vững nhưng đang phải đối mặt với thách thức lớn về tài chính và nguồn nhân lực…
Theo một số chuyên gia, có thể giải quyết được bằng cách bắt đầu từ những hành động nhỏ, đầu tư theo giai đoạn, đáp ứng lần lượt các tiêu chí ESG thay vì làm tất cả trong cùng một giai đoạn.
Ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam, cho rằng vấn đề quan trọng khi thực hành ESG là tinh thần trách nhiệm. Dù là ở quy mô nào, nếu lãnh đạo công ty dẫn dắt đơn vị thực hành ESG bằng trách nhiệm thay vì mục đích lợi ích thì sẽ tạo được kết quả là sự quý mến và đồng hành của người lao động với doanh nghiệp. “Đó là điều không thể đo lường về giá trị của thực hành ESG”, ông nói.
Cũng tại sự kiện sáng 16-4, Câu lạc bộ Kiến tạo Thương hiệu đã chính thức ra mắt, chào đón các hội viên mới và bổ sung ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ariston Việt Nam vào ban chủ nhiệm.
Như vậy, Ban chủ nhiệm hiện có tám thành viên là các cá nhân, doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong đó, ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam là chủ nhiệm câu lạc bộ; các phó chủ nhiệm, gồm:
- Bà Đào Thị Loan, Phó Thư ký tòa soạn Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online, Trưởng Ban đối ngoại và Phát triển Thương hiệu Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.
- Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist.
- Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Công trình Xanh Green Việt.
- Ông Trần Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket.
- Bà Ngô Phi Phụng, Giám đốc Công ty tư vấn Metta Marketing.
- Ông Phạm Trần Nhật Minh, Phó tổng giám đốc Công ty nhựa Long Thành.
- Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ariston Việt Nam.
Ban chủ nhiệm CLB Kiến tạo Thương hiệu ra mắt vào sáng 16-4. Ảnh: Đăng Khoa
Câu lạc bộ Kiến tạo Thương hiệu được thành lập vào tháng 12-2023. Mục tiêu hoạt động của câu lạc bộ là kết nối, chia sẻ và khơi nguồn sáng tạo cho các doanh nhân nhằm kiến tạo thương hiệu thông qua việc thực hành ESG, phát triển bền vững một cách kiên định và có đạo đức. Qua đó, các doanh nhân có thể cùng nhau định hình lại quan điểm về thương hiệu Việt trong mắt người tiêu dùng và vun đắp nên những giá trị đích thực, khác biệt cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trích dẫn nguồn: thesaigontimes.vn